12:42 ICTThứ Bảy, 27/07/2024 THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 15 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM (25/5/2007 - 25/5/2022)!
Tập đoàn CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
vietnam national coal - mineral industries holding corporation limited
Bộ KH & ĐT: Kiến nghị 12 nhóm giải pháp để tái cơ cấu kinh tế
Thứ Năm, ngày 19/04/2012

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án "Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020".

Đề án này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội “mổ xẻ” trong phiên làm việc sáng nay (19/4).

Nội dung của đề án nhằm làm rõ những quan điểm, định hướng và giải pháp chủ yếu thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa,giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức… phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mục tiêu của Đề án nhằm đạt mục tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã xác định là: Xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả; Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP; Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP; Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 2,5 đến 3% hàng năm; Gia tăng hợp lý tỷ trọng dịch vụ, đến năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 43-44% GDP.

Để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị 12 nhóm giải pháp gồm nâng cao chất lượng quy hoạch; Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; Đổi mới cơ chế phân bổ quản lý và sử dụng đầu tư nhà nước; Hoàn thiện cơ chế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh; Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư; Thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài; Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành ưu tiên; Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; Phát huy lợi thế từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển khoa học, công nghệ. Mỗi nhóm giải pháp có vai trò và ý nghĩa nhất định trong việc thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong thời gian dài hạn. Để thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế cần tuân thủ các nguyên tắc thực hiện tăng trưởng hợp lý, bền vững và ưu tiên chất lượng tăng trưởng; Thực hiện đồng bộ và thống nhất các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Tái cơ cấu kinh tế gắn liền với tiếp tục đổi mới, mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; Tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tiến hành toàn diện, đồng bộ và có hệ thống.

Định hướng cơ bản tái cơ cấu kinh tế chủ yếu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội bộ ngành và toàn bộ nền kinh tế. Trong Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra định hướng chung và định hướng tái cơ cấu cụ thể đối với công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và các ngành ưu tiên phát triển. Đối với công nghiệp, sẽ thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp cả về ngành kinh tế kỹ thuật, vùng và giá trị mới, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ lệ nội địa trong sản phẩm, ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và ngành công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông… Mục tiêu là nâng tỷ trọng công nghiệp chế tạo từ 25% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 lên 40% năm 2020.

Các ngành, sản phẩm để tăng cường, củng cố và ưu tiên phát triển gồm: luyện kim, hóa dầu, đóng tàu và các phương tiện vận tải khác, điện tử, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch…

Còn đối với nông, lâm, ngư nghiệp phấn đấu tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP giảm từ mức 20,6% năm 2010 xuống còn khoảng 15% năm 2020. Tạo việc làm thêm cho khoảng 5-8 triệu lao động ở nông thôn so với năm 2010, tăng thu nhập của người nông dân đến năm 2020 lên gấp 3 lần so với năm 2010.

Cấu trúc Đề án gồm 4 phần: Phần I đánh giá những thành tựu chủ yếu, những yếu kém cơ cấu nội tại và xác định những nguyên nhân; Phần II xác định mục tiêu tổng quát, nguyên tắc và định hướng tái cơ cấu nền kinh tế; Phần III xác định hệ thống các giải pháp cụ thể để thực hiện các định hướng tái cơ cấu kinh tế và Phần IV là tổ chức thực hiện.

Các đơn vị thành viên