16:48 ICTThứ Bảy, 27/07/2024 THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 15 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM (25/5/2007 - 25/5/2022)!
Tập đoàn CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
vietnam national coal - mineral industries holding corporation limited
Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối DNTW năm 2021 - Kỳ I
Thứ Hai, ngày 08/11/2021

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho cán bộ, công nhân ngành Than - Khoáng sản sự quan tâm sâu sắc. Bác đã có nhiều lần gặp gỡ động viên cán bộ, công nhân của Ngành. Ngày 15/9/1958, Bác về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc - “cái nôi” của ngành Khoáng sản để động viên và trực tiếp giao nhiệm vụ cho trên 3.000 cán bộ, công nhân của Mỏ phải đoàn kết, hăng say lao động, thi đua yêu nước và sản xuất vượt kế hoạch được giao. Ngày 30/3/1959, Bác về thăm Mỏ than Đèo Nai, nói chuyện với cán bộ, công nhân công trường khai thác than Đèo Nai và dặn dò tinh thần, trách nhiệm trong sản xuất than với công nhân.

Sau chiến thắng ngày 05/8/1964, quân dân miền Bắc bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên trên Vịnh Hạ Long, Bác Hồ càng phấn khởi khi nghe Tổng công ty Than báo cáo đã sản xuất được trên 3,2 triệu tấn than sạch. Bác quyết định về vui Tết Ất Tỵ (năm 1965) với công nhân mỏ và quân dân Quảng Ninh. Bác Hồ giơ cao hòn than lấp lánh về phía hàng vạn người đứng chật kín bãi biển trước Trường Trung học Hồng Gai, Bác nói: Than là vàng đen của Tổ quốc, là nguồn năng lượng quý báu cho phát triển công nghiệp hiện đại. Than của ta không những cho nhiệt lượng cao mà còn có thể chế biến ra nhiều sản phẩm hóa than rất giá trị. Bác rất vui mừng khi công nhân mỏ đã sản xuất được 3,2 triệu tấn than sạch, quân dân Quảng Ninh lại góp phần quan trọng vào chiến thắng, bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên, nâng tầm vóc trận thắng đầu trên không của Việt Nam với toàn thế giới…

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Bác trao cho cán bộ, công nhân ngành Than lá cờ thi đua luân lưu mỗi quý bình chọn một lần. Quý đầu tạm giao cho Than Đèo Nai vì Đèo Nai sản xuất giỏi, chăm lo đời sống tốt, có nhà ăn Than Trụ được đông công nhân khen ngợi. Bác mong toàn thể công nhân mỏ vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, đón xuân mới đầm ấm, vui tươi. Từ đó, phong trào thi đua giành cờ luân lưu của Bác sôi động khắp ngành Than trong nhiều năm liền với những tiêu chí rất cao, không chỉ vượt kế hoạch mà còn phải bảo đảm an toàn, an ninh, có nhiều sáng kiến cải tiến, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề.

Năm 1968, Bác biết các mỏ gặp nhiều khó khăn nên đã giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều Bộ trưởng trực tiếp giải quyết mọi vướng mắc. Đặc biệt, cũng trong năm đó, gần đến ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống  ngành Than 12/11, Bác rất muốn về Vùng mỏ nhưng sức khỏe yếu, Bác không thể đi xa được. Bác quyết định mời Đoàn đại biểu ngành Than lên gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Dù Bác đã thức chuẩn bị bài nói khá dài, rất sâu sắc và tâm huyết nhưng khi vào buổi họp Bác lại không đọc mà thân mật thăm hỏi từng đại biểu, nghe họ tâm sự nhiều chuyện ở Mỏ. Sau đó, Bác nói: Bác đã chuẩn bị sẵn cho các cô, các chú và báo chí văn bản bài viết của Bác như món quà nhỏ của tấm lòng Bác gửi đến mọi gia đình cán bộ, công nhân ngành Than.

Trong bài viết, Bác căn dặn: Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc, toàn thể công nhân, cán bộ phải có tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết chiến, quyết thắng rất vững; phải đoàn kết, đồng tâm, tất cả vì một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc… Xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác. Khắc ghi lời dạy của Bác, toàn Ngành đã nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tích trong chiến đấu và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm và những tình cảm trân quý đối với cán bộ, công nhân ngành Than cũng bởi ngành Than Việt Nam có lịch sử truyền thống lâu đời với trên 180 năm kể từ khi vua Minh Mạng có “Dụ” cho phép Tổng đốc Hải Yên Tôn Thất Bật chính thức tổ chức khai thác than ở vùng núi Yên Lãng, Đông Triều, Quảng Ninh (ngày 10/01/1840) - ghi một dấu mốc quan trọng khai sinh ra ngành khai thác than ở Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, ngành Than đã trải qua chặng đường dài thăng trầm cùng vận mệnh của đất nước.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Ngành Than thực sự trở thành ngành công nghiệp khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta, đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ 2 vào năm 1882, lập Công ty Than của Pháp ở Bắc kỳ để tiến hành các hoạt động khai thác than, bóc lột sức lao động của dân ta để vơ vét tài nguyên, tạo lợi nhuận cho tư bản Pháp. Dưới ách áp bức của thực dân Pháp, những người phu mỏ chịu cảnh lầm than cơ cực. Có áp bức, ắt có đấu tranh. Được giác ngộ cách mạng và sự dìu dắt của Đảng, đêm ngày 12/11/1936, hơn 3 vạn thợ mỏ đã cùng nhau tập hợp, đình công. Khởi đầu từ Cẩm Phả, cuộc bãi công với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm” sau đó đã lan rộng ra toàn Vùng mỏ, yêu cầu chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập... Với tinh thần đấu tranh bền bỉ, quyết liệt, cuộc tổng bãi công kéo dài 20 ngày đêm của những người thợ mỏ đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc tổng bãi công vang dội của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 chính là mốc son chói lọi trong lịch sử hình thành, phát triển của công nhân Vùng mỏ, của ngành Than nói riêng và của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại cho tổ chức Đảng và phong trào của giai cấp công nhân Vùng mỏ bài học to lớn về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh; về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người thợ mỏ và nhân dân Vùng mỏ được kết tinh trong khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm - chúng ta nhất định thắng!. Cũng từ đây, khẩu hiệu ấy đã trở thành cương lĩnh hành động, là mệnh lệnh cho đội ngũ công nhân Vùng mỏ trong suốt chặng đường đi theo Đảng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa đó, ngày 12/11 đã trở thành ngày "Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than” cũng như “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa riêng có của thợ mỏ Than - Khoáng sản Việt Nam.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Ngược dòng lịch sử về giai đoạn những năm 1936, sau sự kiện 12/11, phong trào công nhân Vùng mỏ không ngừng lớn mạnh; đội ngũ công nhân mỏ ngày càng trưởng thành. Cùng với nhân dân cả nước, giai cấp công nhân Vùng mỏ và lớp lớp các thế hệ thợ mỏ ngành Than dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh với tinh thần ''Kỷ luật và Đồng tâm'' đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, tạo nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vượt lên nhiều hy sinh gian khổ, giai cấp công nhân Vùng mỏ vừa kiên cường chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế của địch; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tổ chức công đoàn, phát triển lực lượng du kích, tự vệ trong công nhân, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 24/5/1955, Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng. Công nhân mỏ vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, vươn lên tự mình làm chủ vận mệnh của mình. Niềm vui yên bình khôi phục và xây dựng lại Vùng mỏ, xây dựng lại cuộc sống mới chưa được bao lâu, thợ mỏ lại phải gồng mình “Kỷ luật - Đồng tâm” bước vào giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, hàng ngàn công nhân mỏ tham gia Binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay tại Vùng mỏ, khắc ghi lời Bác dạy “than là vàng đen, nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống nhân dân...” những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua: “Một người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến ngành Than. Năm 1994, để thống nhất quản lý tài nguyên than, ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép, đồng thời để Nhà nước có thể điều tiết cân đối cung - cầu than phục vụ nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ngày 10/10/1994, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổng công ty Than Việt Nam. Sau hơn 10 năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91, năm 2005, Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Việt Nam. Từ đây, nội lực trong công nhân Vùng mỏ và ngành Than được tiếp tục phát huy. Với mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước, TKV đã xây dựng và từng bước phát triển, mở rộng mô hình kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng trên nền công nghiệp than - khoáng sản.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại vào sản xuất. Cùng với cơ giới hoá, tự động hoá khai thác hầm lò, các mỏ lộ thiên của Tập đoàn cũng được đầu tư ô tô, thiết bị vận tải có tải trọng lên đến 130 tấn, liên thông để tạo ra các mỏ công suất lớn và cơ bản đã băng tải hóa công tác vận chuyển. Nhờ đó, công tác an toàn, môi trường Vùng mỏ được đảm bảo, sản lượng than khai thác tăng nhanh, sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với trình độ kỹ thuật, công nghệ đạt mức tiên tiến hiện nay, sản lượng than sản xuất hàng năm của TKV đạt trên 40 triệu tấn (tăng gấp 7 lần so với năm đầu thành lập). Tổng sản lượng khai thác từ 2011- 2020 đạt 435,445 triệu tấn. Năng suất lao động giai đoạn 2015-2020 (tăng bình quân 12%/năm). Tổng doanh thu đạt 613,9 ngàn tỷ đồng (tăng bình quân 7,9%/năm). Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 17,9 ngàn tỷ đồng, bình quân 3,6 ngàn tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách Nhà nước bình quân 16,9 ngàn tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng tiền lương bình quân của cán bộ, công nhân đạt 9,2%/năm.

Trên nền công nghiệp than, TKV đã phát triển các lĩnh khác như: khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí…  Đáng chú ý, giai đoạn 10 năm (2010-2020), các đơn vị khối Khoáng sản tăng trưởng mạnh theo hướng tăng cường chế biến sâu với một loạt nhà máy chế biến kim loại màu hiện đại gồm: đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác. Đặc biệt, TKV đã triển khai thành công hai dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Hiện nay, hai nhà máy Alumin đang vận hành ổn định, vượt công suất thiết kế với tổng sản lượng bình quân mỗi năm trên 1,3 triệu tấn… Qua đó khẳng định vị trí vững vàng của TKV sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình hoạt động, TKV cũng luôn quan tâm, đầu tư và thực hiện tốt công tác an toàn, môi trường; tích cực trong công tác an sinh xã hội.

Cùng với sự tăng trưởng trong sản xuất, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện, nâng cao. Các tổ chức trong hệ thống chính trị như: tổ chức Đảng ngày càng phát huy vai trò hạt nhân lãnh chỉ đạo toàn diện mọi mặt hoạt động của TKV; tổ chức Công đoàn toàn Ngành thường xuyên đổi mới cách thức tiếp cận, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động; tổ chức Đoàn thanh niên không ngừng phát huy vai trò xung kích… So với 85 năm trước đây, vai trò và vị thế của người Thợ mỏ đã bước sang một trang mới. Người Thợ mỏ hôm nay có sức khỏe tốt, tri thức tốt, có đời sống vật chất, tinh thần; luôn sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên...

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện trí thức hóa đội ngũ công nhân, tăng cường giáo dục lòng yêu ngành, yêu nghề gắn với thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 2020, Đảng uỷ Tập đoàn đã phối hợp với Đảng uỷ Than Quảng Ninh phát động và nhân rộng phong trào xây dựng hình ảnh “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” trong thời đại mới. Phong trào này được xem là điểm nhấn, là dấu ấn của TKV trong chiến lược xây dựng và nâng tầm vị thế của Thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam trong thời đại mới.

Có thể nói, bản sắc văn hoá thợ mỏ với giá trị cốt lõi “Kỷ luật và Đồng tâm” được phát huy đã tạo nên sức bật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Tập đoàn. Bởi vậy, 26 năm qua (kể từ khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam), sản xuất kinh doanh của TKV luôn có lãi, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước; TKV luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước ở mức cao; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội với cộng đồng.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Đón đọc Kỳ II: BẢN LĨNH VỮNG VÀNG, TKV VƯỢT "BÃO COVID-19"

 

Các đơn vị thành viên