Xuất thân từ một gia đình thuần nông, trên vùng quê nghèo, lại phải chịu thiệt thòi khi mới năm tuổi đã phải mất đi hơi ấm của người cha là Liệt sỹ chống Mỹ cứu nước... Nhưng dường như những khó khăn ấy chính là động lực mạnh mẽ để ông vững bước, học tập, lao động sáng tạo và cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của ngành Than - Khoáng sản nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung. Ông là người thợ lò cần mẫn, trưởng thành từ những gương than, thấu hiểu nỗi vất vả của thợ mỏ nên có nhiều sáng tạo vì thợ lò. Ông là Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV, Đại biểu Quốc hội khóa XIV-XV, đại diện cho tiếng nói của hàng chục vạn thợ mỏ và nhân dân vùng Than.

Đại biểu Quốc hội khóa XV - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn TKV Lê Minh Chuẩn
Gian nan tuổi thơ
Những năm cuối thập kỷ sáu mươi, thế kỷ trước, khi ông Lê Minh Chuẩn còn là cậu bé lẫm chẫm mới biết đi, cha ông đã vào quân ngũ. Cuộc chiến khốc liệt tại chiến trường Khe Sanh, đường 9 Nam Lào năm 1970 đã cướp đi người cha yêu dấu của ông, để lại 3 mẹ con khi ông mới chưa đầy năm tuổi và người em trai vừa mới lọt lòng. Ông lớn lên trong vòng tay khó nhọc của mẹ và phải chịu nhiều thiệt thòi so với những bạn bè cùng trang lứa. Miền quê lúa Thái Bình những năm đất nước ở vào thời kỳ bao cấp lại càng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, trong khi chiến tranh leo thang của giặc Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt.
Thấu hiểu được những nỗi vất vả của mẹ trong cuộc sống mưu sinh và nỗi đau của quê hương, đất nước trong chiến tranh, ông vừa cần mẫn học hành vừa lam lũ giúp mẹ việc nhà, việc đồng áng và động viên mẹ cùng em trai vượt qua khó khăn. Ông luôn thầm nhủ phải học hành tốt để mai ngày trở thành người có ích cho xã hội, xứng đáng với sự hy sinh giành độc lập của cha và những người đồng chí, đồng đội của cha cũng như những nỗi vất vả thầm lặng mà mẹ ông phải gánh chịu...
Trưởng thành từ những gương than
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học mỏ địa chất, ra trường mới ngoài hai mươi tuổi, ông Lê Minh Chuẩn được về làm việc tại mỏ than Vàng Danh, tỉnh Quảng Ninh với công việc đầu tiên là thợ lò bậc 3/7. Là một kỹ sư Khai thác mỏ, với những kiến thức được học tập tại nhà trường, cộng với sự cần cù lao động, sáng tạo, ham học hỏi, ông nhanh chóng nắm bắt được các quy trình kỹ thuật cũng như công tác điều hành sản xuất, quản trị doanh nghiệp trong khai thác than mỏ hầm lò và khai thác lộ thiên. Ông vùi mình vào những gương than và luôn say sưa với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất, quản lý và đảm bảo an toàn lao động, được các cấp khen thưởng. Ông đã có một tuổi trẻ sôi nổi, tham gia nhiều phong trào thanh niên và hoạt động đoàn tại đơn vị cũng như trên địa bàn Vùng mỏ và trưởng thành.
Với lòng nhiệt huyết và sự cống hiến vượt bậc, ông được các cấp lãnh đạo để mắt và thử thách, tôi luyện qua nhiều vị trí công tác, từ Tổ trưởng sản xuất, Phó quản đốc, Quản đốc, Phó phòng kỹ thuật, Trợ lý giám đốc, Phó giám đốc, rồi làm Giám đốc mỏ. Từ năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc rồi Tổng Giám đốc TKV. Năm 2014, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV TKV cho đến nay. Năm 2016, ông được giới thiệu, bầu là Đại biểu Quốc hội khóa XIV và tái cử là Đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, mang tiếng nói đại diện cho trên dưới mười vạn thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đến với Quốc hội. Là Đảng viên mẫu mực, ông được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng bộ TKV các khóa II, III. Do có nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học kỹ thuật mỏ, ông được bầu là Phó chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam. Năm 2013, ông vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều năm liền ông được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành tặng Bằng khen và danh hiệu Chiến sỹ Thi đua các cấp...
Sáng tạo vì thợ lò
Là người thợ lò trực tiếp làm việc trong hầm mỏ, từ thực tiễn trong đời sống cần cù, lao động sáng tạo của mình, ông Lê Minh Chuẩn luôn đau đáu với những vất vả của người thợ lò và có nhiều sáng tạo có giá trị, được áp dụng trong thực tế sản xuất, giúp tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc cho người thợ. Tiêu biểu có thể nói đến như: Sáng kiến đề xuất đầu tư áp dụng máy Combai đào lò than mã hiệu EBH45 loại cánh tay nối dài trong các mỏ than hầm lò trực thuộc Tập đoàn; Áp dụng Cơ giới hóa khai thác than hạng nhẹ vào khai thác than hầm lò, đổi mới công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong TKV...

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn thăm và tặng quà thợ lò Than Uông Bí
Những sáng tạo trên như những cánh cửa mở ra một lối đi mới trong đào lò chuẩn bị diện sản xuất và khai thác than hầm lò hiệu quả. Nó không những nâng cao năng suất lao động gấp nhiều lần công nghệ cũ, đẩy nhanh tiến độ đào lò, đưa sản lượng khai thác lên cao, mà còn giúp đảm bảo an toàn, giảm nhẹ sức lao động cơ bắp cho người lao động là công nhân đào lò, khai thác trong hầm mỏ vốn dĩ đã vất vả, độc hại, nguy hiểm. Cụ thể, khi đưa vào áp dụng máy Combain đào lò, năng suất đào tăng 11,1% so với năng suất định mức đào lò đá và tăng 30% so với năng suất định mức đào lò than. Khi đưa công nghệ Cơ giới hóa khai thác than hạng nhẹ vào khai thác than hầm lò, đã nâng sản lượng than khai thác từ 300 - 400 ngàn tấn/năm, gấp 3-4 lần so với công nghệ cũ.
Từ hiệu quả của những sáng tạo trên, không dừng lại ở đó, là người đứng mũi chịu sào, ông đã mở rộng định hướng cho TKV tập trung mũi nhọn đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu sản xuất kinh doanh. Sau khi thống nhất, đưa vào nghị quyết và chương trình hành động, triển khai thực hiện, giai đoạn 2017-2020, TKV đã “thủy lực hóa” lò chợ và từng bước cơ giới hóa (CGH) đồng bộ trong các mỏ than hầm lò. Nhờ đó công suất lò chợ đã tăng từ 2 - 5 vạn tấn/năm lên bình quân 15 vạn tấn/năm, riêng lò chợ CGH đồng bộ đạt trên 30 vạn tấn/năm. Đồng thời, giảm tiêu hao gỗ chống lò từ 45 - 50 m3/1000 tấn than xuống 14 m3/1000 tấn. Hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50%, xuống còn 20%. Hiện nay TKV đã có hàng chục lò chợ CGH đồng bộ có công suất từ 200 ngàn đến 1 triệu tấn/năm. Đặc biệt có lò chợ đạt 1,2 triệu tấn/năm tại Công ty than Hà Lầm, cao gấp 10 lần lò chợ thủy lực đơn trước đây. Đến nay, sản lượng than khai thác bằng cơ giới hóa của TKV chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng than khai thác hầm lò.
Đối với lĩnh vực tin học hóa, tự động hóa, chương trình do ông khởi xướng đã giúp các đơn vị trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn hiện đại để kiểm soát khí mỏ như hệ thống cảnh báo khí mê-tan tự động; hệ thống quản lý khí mỏ tập trung; các thiết bị khoan thăm dò để kiểm soát nguy cơ bục nước; hệ thống thông gió, thoát nước mỏ; các thiết bị bảo vệ an toàn cá nhân như bình tự cứu, thiết bị đo khí cầm tay; hệ thống camera giám sát, GPS định vị cho người (trong lò) và thiết bị; thiết bị tự động một số khâu trong cấp phát nguyên liệu, cân đo sản phẩm cũng như quản lý điều hành… Lĩnh vực này đã giúp giảm tổng số lao động của TKV từ 14 vạn năm 2015 xuống còn dưới 10 vạn hiện nay.
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường luôn là nỗi lo thường trực trong tâm trí ông. Đi đến đâu, đơn vị nào ông cũng quan tâm nhắc nhở, chỉ đạo đầu tư áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào bảo vệ môi trường trong sản xuất. Do vậy, đến nay, TKVđã lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động của tất cả các nguồn nước thải (36 hệ thống), khí thải (02 hệ thống) trên các địa bàn; hoàn thành 04 tuyến băng tải than từ các đơn vị sản xuất ra kho cảng để dừng vận chuyển than bằng ô tô bảo vệ môi trường. Các nhà máy tuyển than đã đầu tư thiết bị lọc ép bùn tăng thu hồi than, sử dụng nước tuần hoàn, hạn chế xả thải ra môi trường. TKV cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại các tỉnh phía Bắc có nhà máy xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại như dầu mỡ...