16:08 ICTThứ Bảy, 27/07/2024 THI ĐUA LẬP THÀNH TÍCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 15 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM (25/5/2007 - 25/5/2022)!
Tập đoàn CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
vietnam national coal - mineral industries holding corporation limited
"Nếu thợ mỏ là chiến sĩ khai thác than thì người thợ địa chất là trinh sát dẫn đường..."
Thứ Hai, ngày 06/12/2021

63 năm trước, để đánh giá trữ lượng và chất lượng than cũng như các điều kiện phục vụ cho thiết kế khai thác, Đoàn thăm dò 9 đã ra đời, nay là Công ty CP Địa chất mỏ- TKV. Dẫu trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi cũng như mô hình tổ chức nhưng ở giai đoạn này, những người thợ địa chất vẫn hừng hực một ý chí khát khao, kiên định với mục tiêu "tìm nhiều tài nguyên để làm giàu cho Tổ quốc". Dù vậy, công việc của những người thợ địa chất thường thầm lặng, ít được xã hội nhắc tên. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Minh Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Công ty CP Địa chất mỏ- TKV để hiểu hơn công việc của những người thợ địa chất.

-Chào ông, ông có thể chia sẻ, công tác điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản mà những người thợ địa chất vẫn đang làm có ý nghĩa như thế nào với ngành khai thác than?

Nếu thợ mỏ là chiến sĩ khai thác than thì người thợ địa chất là trinh sát dẫn đường...

Ông Hà Minh Thọ, Giám đốc Công ty Địa chất mỏ

  • + Chúng tôi luôn xác định công tác điều tra thăm dò địa chất khoáng sản là rất quan trọng, đặc biệt là đối với các dự án khai thác. Xuất phát từ vấn đề đó nên việc nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật, cán bộ quản lý... Công ty luôn quan tâm là giải pháp đầu tiên.

    Đặc thù của công việc địa chất là vất vả khó khăn. Qua hơn 60 năm phát triển, các thế hệ cán bộ địa chất không những giỏi về chuyên môn mà luôn duy trì tình yêu nghề, say mê nghề nghiệp. Qua đó, mới vượt qua được khó khăn mà đạt được mục tiêu là tìm được những nguồn tài nguyên cho Tổ quốc.

    Thực tế, để có được ngày hôm nay, những người thợ địa chất đã vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, có mặt ở bất cứ nơi đâu. Đặc biệt là tại vùng than Quảng Ninh đâu đâu cũng in dấu của những người làm công tác địa chất.

    - Sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông có thể nói ngắn gọn thì đặc thù của nghề địa chất là gì?

    + Tôi gắn bó với nghề được 25 năm. Tôi thấy công tác địa chất, thăm dò khoáng sản là một môn khoa học đòi hỏi tư duy khiến tôi say mê yêu nó đến tận bây giờ. Ngành Than phát triển được như ngày hôm nay một phần nhờ công lao của các thế hệ cán bộ địa chất.

  • Nếu thợ mỏ là chiến sĩ khai thác than thì người thợ địa chất là trinh sát dẫn đường...

  • Khoan thăm dò địa chất những năm khó khăn bao cấp. (Ảnh tư liệu của ông Hà Minh Thọ).
  • Nghề địa chất đòi hỏi phải say mê, phải bản lĩnh, kiên trì với mục tiêu mình đã đặt ra bằng kiến thức bằng chuyên môn nghiệp vụ.Thực tế, điều tra cơ bản là bước ban đầu để phát hiện tiềm năng khoáng sản rồi tổ chức thăm dò để mới thành trữ lượng. Từ đó, mới có điều kiện để lập ra các dự án khai thác có hiệu quả. Công tác địa chất nói chung và công tác thăm dò nói riêng là tiên quyết cho việc hình thành các dự án. Chính vì thế, chúng tôi luôn xác định tài liệu thăm dò luôn luôn cực kỳ quan trọng. Nhiều thế hệ đóng góp hy sinh cống hiến để có được khối lượng tài liệu đóng góp cho ngành Than.  

    Có được những điều đó, chúng ta mới vượt qua được những khó khăn mà công tác địa chất đang gặp phải. Chúng tôi mong rằng, các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ cho công tác địa chất. Người cán bộ phải có sự ổn định thì mới đầu tư toàn bộ tâm sức, năng lực trí tuệ của mình cho cái công việc mà họ đang hướng tới.

    - Những cán bộ kỹ sư địa chất đang hướng tới công việc như thế nào trong tương lai, thưa ông?

    + Công tác thăm dò địa chất ngày nay khó khăn hơn xưa rất nhiều. Các khu vực mà các công trình thăm dò phải đến những vùng đất đá đã mất tính địa chất ban đầu do khai thác. Trong khi đó, trước đây chúng tôi chủ yếu thi công ở rừng sâu điều kiện rất khó khăn thì hiện nay chúng tôi khoan ở những chỗ đỡ vất vả hơn vì gần như ở đó đã có công trường khai thác. Trước đây, phần đất đá khoan xuống là nguyên thủy thì bây giờ đất đá mới đổ thải nên lại thi công cực kỳ khó khăn. Nhưng khó khăn đó luôn là thử thách để chúng tôi vượt qua.

    Cán bộ địa chất như người trinh sát dẫn đường cho thợ mỏ. Phải xem xét xem có đủ trữ lượng, có đủ điều kiện khai thác không. Trữ lượng phải được đánh giá khách quan, chính xác đến xấp xỉ 100%; rồi độ tường minh phải cụ thể thì mới hình thành được mỏ. Ngược lại, sẽ rất rủi ro cho các dự án. Chính vì thế, chúng tôi phải hướng đến phát triển nguồn nhân lực và công nghệ, giúp cho việc tổng hợp tài liệu xử lý tài liệu nhanh nhất và hiệu quả nhất. Mục tiêu của chúng tôi là chinh phục những địa tầng khó khăn nhất để vươn tới những địa tầng mà mục tiêu thăm dò và phát triển của ngành Than đang hướng đến.

  • Nếu thợ mỏ là chiến sĩ khai thác than thì người thợ địa chất là trinh sát dẫn đường...

  • Khoan thăm dò than.
  • Chúng tôi tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có để chuẩn bị đủ tài nguyên tin cậy phục vụ thiết kế khai thác theo quy hoạch và đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước. Thăm dò rồi thăm dò chi tiết đánh giá bao nhiêu than bao nhiêu chì kẽm, đất đá thế nào có đủ điều kiện hình thành mỏ được không. Địa chất vẽ thế nào dẫn người ta đào lò đi đúng hướng đó, rồi cập nhật thường xuyên xem có đúng không, không đúng lại phải điều chỉnh hướng cho người ta đi. Địa chất luôn là nghề đi trước về sau là vì thế. Chúng tôi đến những nơi chưa ai đến và sẽ trở về khi sứ mệnh khai thác của mỏ đã hoàn thành. Phải đánh giá kiểm kê lại, khai thác có hiệu quả không, có lãng phí tài nguyên không, đóng cửa mỏ rồi hoàn nguyên môi trường. Chính vì thế, chúng tôi không chỉ cần kiến thức năng lực và cần lòng say mê nghề nghiệp.

    Bên cạnh đó, với công tác trắc địa chúng tôi tiếp tục thực hiện quản trị tài nguyên trong TKV, khảo sát đo đạc địa hình khu mỏ mới theo quy hoạch phát triển ngành Than, đồng thời tìm kiếm việc làm mới trong lĩnh vực đo đạc lập bản đồ địa hình phục vụ quy hoạch xây dựng giao thông quan trắc.

  •  

    Đặc thù công việc đòi hỏi những cán bộ địa chất thường xuyên phải trèo đèo lội suối.
     

  • - Để cho người thợ địa chất yên tâm công tác ở thực địa như trên ông vừa nói thì Công ty đã có những giải pháp như thế nào?

    + Do đặc thù sản xuất, quá trình khoan thăm dò các tổ khoan làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài, sau khi hoàn thành lại chuyển máy đến khu vực khác để thi công và nơi làm việc thì chủ yếu là địa hình núi cao, hiểm trở, cách xa trung tâm, đi lại rất khó khăn, điều kiện ăn ở thường là tạm bợ. Xuất phát từ chủ trương để có một chỗ ở tốt hơn cho công nhân, được sự chấp thuận của Công đoàn TKV, Công ty đã giao cho Phòng Cơ điện vận tải và Đội cơ khí thiết kế, chế tạo nhà ở trên công trường cho công nhân. Công ty sẽ rà soát tiếp tục trang bị mới hoặc nâng cấp nhà ở cho toàn bộ các tổ khoan của Công ty.

  • Nếu thợ mỏ là chiến sĩ khai thác than thì người thợ địa chất là trinh sát dẫn đường...

  • Khoan tháo nước trong hầm lò tại môi trường chật chội, khó thi công.
  • Được biết, các ông đã được giao làm chủ đầu tư, quản lý và khai thác di tích địa điểm khai thác than đầu tiên tại Yên Thọ (TX Đông Triều)?

    + Chúng tôi đã trực tiếp giao cho Xí nghiệp Địa chất Đông Triều - đơn vị đứng chân ngay tại khu di tích có trách nhiệm quản lý tạo điều kiện phát huy giá trị di tích hơn nữa để trở thành một trung tâm văn hóa và lịch sử của Tập đoàn. Chúng tôi muốn biến nơi đây thành một địa chỉ đỏ phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần, qua đó, khơi dậy và giáo dục truyền thống cho các thế hệ toàn ngành. Chúng tôi luôn xác định việc tu bổ bảo quản khu di tích có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành Than cũng như tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi mong rằng, khu di tích sẽ được nâng hạng, được làm hồ sơ trình các cấp xếp hạng là di tích cấp quốc gia cho tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của nó. 

    - Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Các đơn vị thành viên