Đảng ủy Trung tâm Cấp cứu mỏ: Khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị
Trải qua 14 kỳ Đại hội, với nhiều mô hình tổ chức, Đảng ủy Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin đã khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị, vượt qua những giai đoạn thăng trầm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xây dựng Trung tâm ngày càng phát triển.
Ngày 30/10/1978, Bộ Mỏ và Than ra quyết định thành lập Đội cấp cứu mỏ trực thuộc Công ty than Hòn Gai (tiền thân của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin ngày nay). Ngày đầu thành lập chỉ có 52 cán bộ đội viên, trang thiết bị, nhà xưởng đơn sơ với nhiệm vụ chính là thực hiện giải quyết các vụ sự cố trong hầm mỏ. Bằng nghị lực của người thợ mỏ với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” vượt qua gian khó vững bước đi lên cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của Tập đoàn và các đơn vị trong ngành, qua hơn 42 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Cấp cứu mỏ hiện nay đã có cơ sở vật chất khang trang tại 3 vùng Uông Bí - Hòn Gai - Cẩm Phả với lực lượng cấp cứu mỏ tinh nhuệ, trang thiết bị hiện đại đáp ứng công tác phòng ngừa và giải quyết các dạng sự cố trong hầm lò và mặt bằng. Chặng đường phát triển của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin gắn liền với sự thăng trầm của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.
Sau khi có quyết định của Bộ Mỏ và Than, ngày 01/12/1978 đội Cấp cứu mỏ bắt đầu tập trung gồm 25 người từ mỏ Than Thống nhất và 27 người mỏ Than Hà Lầm, đồng chí Nguyễn Đức Nhuận được điều từ Công ty than Hòn Gai về làm đội trưởng. Trong thời gian đầu thành lập, Đội cấp cứu mỏ được Bộ than đá của Liên Xô (cũ) cử các chuyên gia sang giúp đỡ xây dựng mô hình cấp cứu mỏ ở Việt Nam, đào tạo sử dụng trang thiết bị cấp cứu mỏ và các phương án kỹ thuật. Sau 3 tháng học, Đội cấp cứu mỏ chính thức đi vào hoạt động, trụ sở đặt tại xưởng X1 Hà Tu, thiết bị gồm 25 máy thở P-12 và PBL-1, 1 máy YKP-5, 1 máy GC-8M và 2 máy đo khí I U-10. Thời gian này, Đội cấp cứu mỏ vừa học tập, thường trực vừa phải nung vôi đóng gạch vào rừng lấy tre gỗ về xây dựng nhà cửa, khu văn phòng của Đội.
Từ năm 1979 đến năm 1982, nhân lực được bổ sung và cơ cấu tổ chức được hình thành gồm: phòng Kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo 5 tiểu đội và các bộ phận Văn phòng, Kế toán và Ytế. Cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, máy móc cũng được tăng cường.
Năm 1979, Chi bộ Đội Cấp cứu mỏ tổ chức Đại hội lần thứ nhất, đồng chí Trần Xuân Nhuận được bầu làm Bí thư. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên của lực lượng cấp cứu mỏ chuyên trách. Chi bộ đã lãnh đạo đội Cấp cứu mỏ vượt qua khó khăn, đi vào ổn định, tiếp nhận, đào tạo bổ sung nhân lực và đầu tư trang thiết bị; lãnh đạo thành lập tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên là nơi tập hợp, động viên, giáo dục, rèn luyện của người lao động. Thời gian này, Liên hiệp các xí nghiệp Than Hồng Gai tăng cường chỉ đạo, bổ sung biên chế nâng cao chất lượng hoạt động của đội Cấp cứu mỏ. Xây dựng tổ chức đảng và nâng cao chất lượng hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm. Ngày 10/02/1982, Chi bộ tổ chức kết nạp 03 đảng viên mới, đây là lớp đảng viên đầu tiên được kết nạp tại đơn vị. Số lượng và chất lượng đảng viên trong Chi bộ được nâng lên.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Đội Cấp cứu mỏ đi vào hoạt động ổn định với nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, nâng cao năng lực của đội ngũ. Ngày 07/9/1985, Đội Cấp cứu mỏ được Bộ Năng lượng nâng cấp thành Trung Tâm Cấp cứu mỏ và trực thuộc Liên hiệp các Xí nghiệp Than Hồng Gai ; với chức năng là một đơn vị quản lý kỹ thuật chuyên ngành cấp cứu mỏ đảm bảo nhiệm vụ phòng ngừa và tiêu diệt các dạng sự cố cho các đơn vị trong và ngoài Liên hiệp Than Hồng Gai. Trung tâm có trách nhiệm tổ chức đào tạo bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, chiến sỹ cấp cứu mỏ chuyên trách và cấp cứu mỏ bán chuyên trách về kỹ thuật chuyên nghiệp cấp cứu mỏ. Thời gian này, mặc dù ngành Than rất khó khăn xong Liên hiệp đã điều động tăng cường nhân lực, đầu tư bổ sung trang thiết bị và chỉ đạo dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức. Trụ sở chính của Trung tâm đặt tại Hòn Gai và thành lập 01 bộ phận thường trực tại Cẩm Phả.
Giai đoạn từ năm 1983 đến năm 1986 là một thời kỳ khó khăn nhất đối với lực lượng Cấp cứu mỏ chuyên trách. Tình hình trong nước đang ở giai đoạn cuối cơ chế cũ. Ngành Than phải chịu rất nhiều áp lực về sự trượt giá của hàng hóa vật tư đầu vào, sự thiếu hụt lao động sau sự kiện người Hoa về nước. Tất cả những khó khăn, ách tắc của nền kinh tế khi ấy tác động xấu đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó có cán bộ, công nhân Trung tâm Cấp cứu mỏ. Đã có ý kiến chuyển toàn bộ lực lượng cấp cứu mỏ chuyên trách về các xí nghiệp than hầm lò. Với kết quả đã đạt được và nỗ lực của Trung tâm, Trung tâm Cấp cứu mỏ được duy trì và có bước đầu tư phát triển mới. Sau khi thành lập Công ty than Hòn Gai và Công ty than Cẩm phả trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp các xí nghiệp than Hồng Gai, Trung tâm về trực thuộc Công ty than Cẩm Phả theo quyết định số 428 NL/TCCB-LĐ ngày 30/6/1993 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng, thực hiện nhiệm vụ cấp cứu mỏ trong toàn Ngành.
Chi ủy Trung tâm đã lãnh đạo Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào những khó khăn của đơn vị, ngành Than trong thời điểm cuối bao cấp; tập hợp, vận động đoàn viên tham gia tốt các phong trào thi đua, khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất, cải thiệu điều kiện làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chi ủy lãnh đạo Đoàn thanh niên củng cố tổ chức, tập hợp, vận động thanh niên làm theo lời Bác, tổ chức các phong chào thi đua yêu nước, đảm nhận những công trình việc khó, mở rộng liên kết, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, biến các phong trào thành động lực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Những năm đầu sau đổi mới, nền kinh tế còn hết sức khó khăn, Chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, phần lớn các thiết bị cấp cứu mỏ do Liên Xô và Ba Lan cung cấp bị ngưng trệ. Để đảm bảo công tác thường trực và huấn luyện, Chi ủy Trung tâm đã chỉ đạo phải tìm các giải pháp khắc phục bằng cách cải tiến để đưa vào thay thế các vật tư nội địa, như ống thở, phổi thở và các joăng trong hệ thống phân phối ôxy của thiết bị thở, thiết bị cứu sinh. Mặt khác Trung tâm đã đề nghị ngành Than cho phép Trung tâm chủ động tìm nguồn để thay thế các thiết bị, vật tư của Liên Xô.
Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng nhà điều hành, Chi ủy đã chỉ đạo hoàn thiện cơ cấu tổ chức, định biên lao động của Trung tâm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và thực hiện các thủ tục chuyển về trực thuộc Tổng Công ty than Việt Nam theo Quyết định số 134/NL-TCCB-LĐ ngày 4/3/1995 của Bộ Năng lượng. Chi ủy đã lãnh đạo tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên thực hiện việc chuyển đổi về trực thuộc các tổ chức cấp trên theo đúng Điều lệ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh đáp ứng yêu cầu giải quyết sự cố trong ngành đang diễn biến phức tạp.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung tâm Cấp cứu mỏ lần thứ VIII
Tháng 10/1994, Tổng Công ty than Việt Nam được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/1995. Trung tâm Cấp cứu mỏ là 1 trong 15 đơn vị đầu tiên về trực thuộc Tổng Công ty theo quyết định số 134 NL-TCCB-LĐ ngày 4/3/1995 của Bộ trưởng Bộ năng lượng. Năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam vào Tập đoàn Than Việt Nam, kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than, hoạt động theo mô hình “Công ty mẹ - Công ty con”, Trung tâm Cấp cứu mỏ chuyển vào cơ cấu Công ty mẹ theo quyết định số 1401/QĐ-HĐQT ngày 3/7/2006 của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đây là giai đoạn thuận lợi, lãnh đạo Trung tâm đã nắm bắt thời cơ để xây dựng Trung tâm phát triển vượt bậc cả về chất và lượng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tập đoàn giao, cải thiện rõ nét điều kiện làm việc và thu nhập cho người lao động.
Năm 1997, Chi bộ Trung tâm được nâng cấp thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh với 03 chi bộ. Năm 1999, cùng với việc thành lập Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí và Trạm Cấp cứu mỏ Cẩm Phả, Đảng bộ thành lập 02 chi bộ trạm để lãnh đạo các hoạt động của 02 trạm Cấp cứu mỏ vùng.
Nhằm nâng cao uy tín và vị thế của Tập đoàn nói chung, của Trung tâm nói riêng, Đảng ủy Trung tâm đã lãnh đạo đề xuất với Tập đoàn để Trung tâm tham gia là thành viên Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (nay là Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn), tham gia Hiệp hội cấp cứu mỏ quốc tế; đồng thời mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhằm giảm chi phí cấp cứu mỏ tập trung cho Tập đoàn và tăng thu nhập cho người lao động.
Giai đoạn này, cùng với sự phát triển chung, Đảng ủy Trung tâm đã lãnh đạo thành lập Hội cựu chiến binh; lãnh đạo các tổ chức quần chúng phát triển đồng bộ với sự lớn mạnh của chuyên môn, chuyển về trực thuộc các tổ chức cấp trên theo ngành dọc; xây dựng tổ chức quần chúng xứng đáng là chỗ dựa đáng tin cậy của đoàn viên, hội viên.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Trung tâm Cấp cứu mỏ lần thứ XIV
42 năm, một khoảng thời gian tuy chưa dài để viết lên lịch sử, nhưng đã có ý nghĩa thật lớn lao để đánh dấu mốc son trưởng thành của Trung tâm, đồng thời là một điểm nhấn đậm nét về sự trưởng thành của lực lượng cấp cứu mỏ chuyên trách.
Hơn 42 năm qua, đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, phải đương đầu với 02 cuộc chiến tranh, sự hoành hành của việc tàn phá thiên nhiên, sự tác động của 02 cuộc khủng khoảng và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 những năm gần đây dẫn đến đến suy thoái kinh tế khu vực và toàn cầu, sản xuất công nghiệp và thương mại tăng trưởng thấp. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn… nhưng Trung tâm Cấp cứu mỏ vẫn nhận được sự quan tâm đầu tư ở mức cao. Sự nhạy bén trong lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, sự vào cuộc tích cực của CBCN trong đơn vị đã cùng góp phần xây dựng Trung tâm ngày càng lớn mạnh.
Với đội ngũ cán bộ, công nhân đã được rèn luyện, thử thách, nội bộ đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Trung tâm, sự lãnh đạo sâu sát của Tập đoàn, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt khó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch hàng năm. Cán bộ, đảng viên, người lao động Trung tâm Cấp cứu mỏ có quyền tự hào rằng: từ khi thành lập đến nay, vượt qua bao nhiêu khó khăn, thách thức, Trung tâm đã là một tập thể đoàn kết, lao động sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao.

Chiến sỹ Cấp cứu mỏ luôn sẵn sàng thường trực giải quyết sự cố
Ngày nay, Trung tâm Cấp cứu mỏ đã trở thành địa chỉ thân thiện và tin cậy của những người thợ mỏ, một thương hiệu uy tín trong và ngoài ngành Than - Khoáng sản Việt Nam. Với xu thế hội nhập cùng với thành tựu đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo Tập đoàn, sự lãnh đạo của Đảng ủy cùng với sự đoàn kết, đồng thuận của CBCN trong toàn Trung tâm, tin tưởng chắc chắn rằng Trung tâm Cấp cứu mỏ sẽ tiếp tục lớn mạnh, chính quy, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Trung tâm Cấp cứu mỏ liên tục nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổ chức tốt công tác kiểm tra phòng ngừa sự cố, cùng với các mỏ khắc phục giảm nguy cơ sảy ra sự cố; độc lập hoặc tham gia giải quyết hiệu quả nhiều vụ sự cố cả trong và ngoài ngành, giúp các mỏ hạn chế tối đa thiệt hại, nhanh chóng ổn định và đưa mỏ trở lại sản xuất. Mọi mặt đời sống văn hoá xã hội được cải thiện, thu nhập của người lao động hàng năm được tăng lên. Với thành tích đó Trung tâm đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất (02 lần), hạng Nhì, hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thưởng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lâm Đồng, Hòa Bình tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua cho nhiều tập thể và cá nhân trong Trung tâm đã có thành tích xuất sắc trong công tác. Đảng bộ Trung tâm nhiều năm được Đảng uỷ TKV đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tặng giấy khen có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021...