
I - ĐIỂM TIN TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
1.1. Tin vắn kinh tế thế giới
- -OECD đánh giá kinh tế thế giới 2021 sẽ khả quan hơn.
- -Chính phủ Mỹ chuẩn bị khởi động lại chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
- -Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ thông báo kế hoạch hỗ trợ kinh tế để đối phó với Covid-19 trị giá hàng nghìn tỷ USD.
- -Chủ tịch Liên minh Đảng Dân chủ Mới Suzan DelBene đánh giá về chiều hướng chính sách kinh tế của chính quyền Joe Biden.
- -Trung Quốc ra luật mới chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế của nước ngoài.
- -Các nhà đầu tư quốc tế lạc quan đối với thị trường Trung Quốc.
- -USTR thông báo đã hoãn áp thuế một số hàng hóa nhập khẩu từ Pháp.
(Nguồn: Bản tin tổng hợp Kinh tế quốc tế - Phòng HTQT, VP TKV)
1.2. Tình hình thời sự, chính trị nổi bật trong nước
* 10 dấu ấn nổi bật về Đại hội XIII của Đảng
(1) Đại hội XIII của Đảng có số lượng đại biểu đông nhất qua 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Về dự Đại hội có 1.587 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng, gồm 191 đại biểu đương nhiên, 1.381 đại biểu được bầu từ 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương và 15 đại biểu công tác ở ngoài nước được chỉ định, tăng 77 đại biểu so với Đại hội XII. Có gần 600 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế theo dõi và đưa tin về Đại hội.
(2) Cả trước, trong và sau Đại hội, Đảng ta đã nhận được gần 400 điện, thư chúc mừng của các tổ chức, cá nhân và bạn bè quốc tế, nhiều nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc (Đại hội XII, Đảng ta nhận được 253 điện, thư chúc mừng). Điều đó thể hiện tình cảm tốt đẹp, tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác, ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày càng cao của Đảng và Nhà nước ta trên trường quốc tế.
(3) Chất lượng và trình độ các mặt của đại biểu dự Đại hội rất cao. Trong số 1.587 đại biểu, hầu hết là cấp ủy viên các cấp, trong đó có 191 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1.295 cấp ủy viên cấp tỉnh và tương đương; 876 đại biểu đã được tặng thưởng Huân chương các loại; 412 đại biểu đã nhận Huy hiệu 30, 40, 45, 50 năm tuổi Đảng; 03 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 95 đại biểu là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; 87 đại biểu là đại biểu Quốc hội đương nhiệm. Có 1.579 đại biểu có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị; 1.067 có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 71 đại biểu là Giáo sư, Phó giáo sư; 13 đại biểu là Nhà giáo ưu tú; 15 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú.
(4) Chủ đề của Đại hội XIII vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển Chủ đề của Đại hội XII, thể hiện đầy đủ, toàn diện, sâu sắc nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, được Đại hội nhất trí rất cao là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
(5) Trên cơ sở kế thừa và phát triển phương châm chỉ đạo của Đại hội XII, phương châm chỉ đạo của Đại hội XIII được xác định là: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội không chỉ đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn đánh giá tổng quát tình hình đất nước qua 35 năm đổi mới và rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Trên cơ sở đó, Đại hội không chỉ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới mà còn đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
(6) So với Đại hội XII, số lượng các văn kiện được Đại hội thảo luận và thông qua nhiều hơn, phạm vi rộng hơn, nội dung phong phú, toàn diện, sâu sắc hơn. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII và khẳng định: “Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn”. Đây là cơ sở để Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong nhiệm kỳ tới.
(7) Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước qua 35 năm đổi mới, Đại hội khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là niềm tự hào, là động lực và nguồn lực quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đại hội đã xác định mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
(8) Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt coi trọng về chất lượng, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc và tiến hành kỹ lưỡng, bài bản, khoa học theo quy trình 5 bước; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch vì lợi ích của Quốc gia - Dân tộc. Công tác nhân sự được tiến hành theo trình tự: chuẩn bị nhân sự Trung ương trước, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau và cuối cùng là nhân sự các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự tham gia lần đầu sau và cuối cùng mới xem xét các trường hợp đặc biệt. Những trường hợp đặc biệt được Bộ Chính trị xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt theo quy trình dân chủ, chặt chẽ trước khi trình Trung ương xem xét, quyết định giới thiệu với Đại hội và Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
(9) Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, Đại hội bầu một lần đủ 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với số phiếu tập trung cao, đúng với phương hướng công tác nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chuẩn bị. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 60% tái cử, 40% mới tham gia lần đầu; 19 đồng chí nữ, chiếm 9,5%; 100% có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị và 100% có trình độ từ đại học trở lên. Ban Chấp hành Trung ương có 03 đội tuổi, trong đó gần 30% từ 50 tuổi trở xuống; 63% từ 51 đến 60 tuổi và 8% trên 60 tuổi.
(10) Ngày 31/01/2021, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 đồng chí (01 đồng chí là nữ), trong đó có 8 đồng chí tái cử và 10 đồng chí mới; bầu Ban Bí thư gồm 5 đồng chí, trong đó có 1 đồng chí nữ; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 19 đồng chí và đồng chí Trần Cẩm Tú được bầu lại là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư khóa XII tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.
(Theo Tổng kết của Báo Điện tử Chính Phủ)
*Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII họp phiên đầu tiên
Sáng ngày 18/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tiến hành phiên họp đầu tiên, cho ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021; nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2021; về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Đón Tết Tân Sửu vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất đánh giá, năm 2021 là một năm đặc biệt, nhân dân đón Tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các ngành, các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 44 của Thủ tướng Chính phủ, Điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác chăm lo, tổ chức đón Tết Nguyên đán 2021 với nhiều hình thức phong phú và những việc làm thiết thực, tiết giảm các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Đảng, Nhà nước; sự chủ động của các cấp, các ngành đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động mọi nguồn lực để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm, yên vui, nhất là tại vùng sâu, cùng xa, biên giới, hải đảo, các khu vực đang bị cách ly để phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trực Tết, các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, công nhân, người lao động không về quê đón Tết. Các hoạt động đón Tết vui Xuân được quan tâm tổ chức gắn với các hoạt động chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng.
Hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người lao động được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực. Các ban, bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy đã nghiêm túc triển khai và cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không sử dụng công quỹ, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ, Tết.
Tình hình an ninh chính trị, chủ quyền biên giới biển, đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác phòng, chống cháy nổ; phòng, chống tội phạm được chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 48 của Ban Bí thư, nỗ lực cố gắng, có nhiều biện pháp, sáng kiến, quan tâm, chăm lo tổ chức Tết Tân Sửu 2021 cho nhân dân vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cả nước phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng đón Tết đầm ấm, yên vui, hạnh phúc.
“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, năm 2021 có nhiều sáng kiến như dừng bắn pháo hoa, nhưng lại đưa lên truyền hình cả nước đều xem, không phải đi ra ngoài. Hay như giáo dục, tạm thời các cháu không đến trường, tổ chức học trực tuyến. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện học trực tuyến, nhất là vùng sâu vùng xa, nông thôn, miền núi, cho nên mọi việc phải tính toán cụ thể. Từ trong khó khăn nảy ra sáng kiến, rồi tìm biện pháp cho thiết thực, hiệu quả, không chủ quan, không thỏa mãn” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.
Tổ chức thành công Cuộc bầu cử, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống
Về nhiệm vụ trọng tâm quý I năm 2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài; nâng mức cảnh giác cao nhất đối với Covid-19; huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2021; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhất trí cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung triển khai công tác học tập, phổ biến, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, ngay từ đầu năm 2021. Trước mắt, sớm trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Văn phòng Trung ương Đảng khẩn trương phối hợp với các cơ quan giúp Bộ Chính trị xây dựng Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chương trình làm việc năm 2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chuẩn bị sớm các nội dung phục vụ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 2, khóa XIII; xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; Quy chế làm việc của UBKT Trung ương khóa XIII; Chương trình đối ngoại năm 2021 của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước…
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cần khái quát những vấn đề lớn, những việc cần thiết phải làm ngay, không nên vui Tết kéo dài, ngủ quên trên thắng lợi, các cấp, các ngành phải bắt tay ngay vào công việc. Trước hết là phải triển khai thật tốt việc thực hiện các chủ trương Đại hội đã đề ra, tổ chức học tập quán triệt, từng cơ quan, từng cấp, ngành, đơn vị đều phải xây dựng chương trình hành động của mình cho năm 2021, trước mắt là quý I. Tất cả đều phải làm, từ trên xuống, không chỉ Chính phủ mà từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đại hội, của Trung ương, của địa phương, từ đó đề ra chương trình hành động cụ thể. Đại hội thành công mới là một bước, phải cụ thể hóa, thể chế hóa, đưa vào thực tế cuộc sống, ưu điểm thì phát huy, thiếu sót thì chấn chỉnh, khắc phục. Trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, sắp xếp tổ chức, kiện toàn cán bộ, kể cả chế độ, chính sách với các đồng chí đã nghỉ hưu…”.
Đồng ý về chủ trương mua vaccine phòng Covid-19
Sau khi nghe báo cáo về chủ trương mua, sử dụng vaccine phòng Covid-19 và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vaccine được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
*Thủ tướng Chính Phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết
Để phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, tập trung triển khai ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết các nhiệm vụ (Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021).
Dập triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khoanh vùng nhanh nhất các ổ dịch, truy vết thần tốc, xác định các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên diện rộng; quản lý chặt chẽ các khu cách ly, phong tỏa, không để lây nhiễm chéo; kịp thời tổ chức giãn cách xã hội khi phát hiện ca nhiễm mới với phạm vi phù hợp; tăng cường khai báo y tế tại các cơ sở lưu trú; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; dập triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu cách tiếp cận mới phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 của nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19 trong nước; sớm ban hành quy trình nhập khẩu và tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong đó, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xử lý hài hòa, có hiệu quả các cân đối lớn trong phát triển đất nước để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó chú trọng việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; phát triển nhanh nền kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; phát huy cả nội lực và ngoại lực; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn, vừa tính đến mục tiêu dài hạn, bền vững; bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia và các cân đối vĩ mô khác. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch Covid-19…
Tháo gỡ khó khăn sản xuất
Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hiện hành hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; kịp thời đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành chính sách hỗ trợ mới và kiến nghị bố trí nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả, khả thi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tập trung triển khai ngay việc tháo gỡ khó khăn của các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp vướng mắc, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng tại các Nghị quyết của Chính phủ; triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng, tiến độ giải ngân thực hiện các dự án ngay từ đầu năm. Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
Hạn chế tối đa hoặc dừng hoạt động lễ hội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội Xuân gắn với an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hạn chế tối đa hoặc dừng các hoạt động lễ hội tập trung đông người để giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo về việc trở lại trường của học sinh, sinh viên, việc tổ chức học tại trường gắn với phòng, chống dịch Covid-19 và việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến để bảo đảm chương trình học. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các địa phương để kịp thời có giải pháp phù hợp, hạn chế tình trạng thiếu lao động sau kỳ nghỉ Tết, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ Công an tiếp tục đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, chạy xe quá tốc độ quy định…
II - THÔNG TIN NỔI BẬT CỦA TẬP ĐOÀN
*TKV chăm lo Tết đủ đầy cho người lao động, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh
Thợ mỏ TKV đón Tết Tân Sửu 2021 đặc biệt và ấm áp
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã trở thành một cái Tết đặc biệt và đầy ấm áp của thợ mỏ TKV. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ngay trước dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là tại khu vực tỉnh Quảng Ninh - địa bàn hoạt động trọng yếu của TKV, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị tốt các phương án chăm lo, đảm bảo Tết đủ đầy, ấm áp cho người lao động với phương châm “Không ai không có Tết”, đặc biệt là với những lao động đang thực hiện cách ly tại chỗ hoặc cách ly tập trung tại các đơn vị hoặc không về quê ăn Tết.
Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, có khoảng gần 10.000 công nhân lao động của TKV ở ngoại tỉnh và những vùng phong tỏa dịch Covid-19 ở lại Quảng Ninh đón Tết đã được lãnh đạo Tập đoàn cũng như lãnh đạo các đơn vị chăm lo Tết chu đáo. Cụ thể: sáng ngày 11/2 (ngày 30 Tết), đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải và lãnh đạo TKV đã đến thăm, chúc Tết, động viên công nhân lao động ở lại ăn Tết tại Công ty than Dương Huy. Trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Than Dương Huy đã chăm lo chu đáo các chế độ tiền lương, tiền thưởng, tiền Tết cho người lao động; mức thưởng Tết chung là 8,5 triệu đồng/người, bổ sung tiền lương 3 triệu đồng/người… Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và cộng đồng, thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ninh và TKV, Công ty đã vận động người lao động ở lại ăn Tết và tổ chức cho CNLĐ đón Tết vui tươi, đầm ấm và an toàn. Công ty có gần 2.000 người do ảnh hưởng của dịch nên không thể về quê đón Tết, trong đó tại Khu chung cư công nhân Km8 có hơn 400 người với 12 dân tộc thiểu số. Công ty đã tổ chức cấp phát thực phẩm cho công nhân ở tại Khu chung cư và công nhân thuê trọ ở bên ngoài với đầy đủ hương vị ngày Tết như bánh chưng, giò, gà, bia…, cùng với đó, CNLĐ ở Khu chung cư hàng ngày tham gia các hoạt động thể thao, trò chơi, đồng thời đảm bảo công tác chống dịch Covid-19.
Tại Công ty CP Than Vàng Danh trong dịp Tết nguyên đán 2021, cùng với việc tổ chức chăm lo chu đáo cho CNLĐ toàn Công ty đón Tết, chuyên môn và Công đoàn Công ty đã có Kế hoạch liên tịch tổ chức cho số công nhân lao động ở lại Khu tập thể đón Tết. Công ty phục vụ ăn cho toàn bộ số công nhân lao động ở Khu tập thể với mức 80.000 đồng/người/ngày và trong 5 ngày Tết (từ ngày 29 đến mùng 3 Tết) mức ăn là 150.000 đồng/người/ngày. Lãnh đạo Công ty đến chúc Tết, tặng quà cho các phòng ở, mỗi công nhân lao động ở lại ăn Tết được tặng 02 bánh chưng, cùng giò, bánh kẹo…; ngày mùng 2 Tết, Công ty tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian cho công nhân lao động ở Khu tập thể và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để công nhân lao động đón Tết vui tươi, đầm ấm…
Và còn nhiều nữa những đơn vị như: Than Khe Chàm, Than Mạo Khê, Than Nam Mẫu… đã chăm lo Tết chu đáo, đủ đầy cho người lao động. Tuy bằng những cách làm và những phương án bố trí chăm lo Tết khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế nhưng tựu chung các đơn vị của Tập đoàn đã rất nỗ lực làm tốt công tác chăm lo Tết cho người lao động, mang lại một Tết Nguyên đán Tân Sửu đặc biệt ấm áp, sẻ chia đối với mỗi thợ mỏ TKV.
Đảm bảo duy trì ổn định sản xuất và làm tốt phòng chống dịch Covid-19
Bên cạnh việc chăm lo Tết cho người lao động, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các đơn vị của TKV đã tăng cường tối đa các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; chủ động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn. CNLĐ thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về việc không tham gia vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ, thực hiện tốt các quy định khi tham gia giao thông... Các đơn vị tổ chức tốt việc tuyên truyền Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kết quả Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, bố trí trực sản xuất; duy trì công tác chế biến, chuẩn bị nguồn than, đảm bảo công tác tiêu thụ than và chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo thông gió, thoát nước để sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết…
Các đơn vị khối Điện lực, Khoáng sản, Công ty Nhôm Đắk Nông và Công ty Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện duy trì ổn định dây chuyền sản xuất trong suốt những ngày Tết, đảm bảo an toàn, hiệu quả sản xuất.
Ngày 12/2 (mùng 1 Tết Tân Sửu 2021), tại Cảng Cẩm Phả, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả, Công ty Tuyển than Cửa Ông, Công ty Giám định đã tổ chức đón tàu Viet Thuan 56-01 “xông” Cảng Cẩm Phả và rót tấn than tiêu thụ đầu tiên của Năm mới Xuân Tân Sửu, tiêu thụ 25.186 tấn than cám 6a.1 cung cấp cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và trong ngày mùng 1 Tết đã tiêu thụ 29.130 tấn than. Các đơn vị ra quân sớm vào ngày 15/2 (mùng 4 Tết) là Công ty than Cao Sơn, Than Đèo Nai, Than Hạ Long; vào ngày 16/2 (mùng 5 Tết) là Than Hà Tu, Than Cọc Sáu. Từ ngày 10/2 đến ngày 16/2/2021 (từ 29/12 đến mùng 5 Tết) theo tổng hợp: than nguyên khai sản xuất 69.424 tấn; đất bóc đạt 605.478 m3; mét lò đạt 64 m; than tiêu thụ đạt 214.768 tấn.
Sôi nổi ra quân trở lại sản xuất với khí thế và quyết tâm cao
Ngày 17/2 (mùng 6 Tết), thực hiện nghiêm túc, triệt để chỉ đạo của Tập đoàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và địa phương, đảm bảo hoạt động SXKD đạt hiệu quả cao nhất trong trạng thái bình thường mới, tất cả các đơn vị của TKV đồng loạt tổ chức khai xuân và trở lại sản xuất bình thường, vừa đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất vừa phấn đấu đạt các chỉ tiêu sản lượng được giao.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các đơn vị đã huy động mức cao nhất số công nhân trở lại làm việc và tổ chức sản xuất 3 ca, phấn đấu đạt các chỉ tiêu sản lượng được giao.
Công ty CP Than Cao Sơn là đơn vị có sản lượng than sản xuất lớn nhất của TKV, năm 2021 Công ty đặt mục tiêu sản xuất 6,25 triệu tấn than, trong đó than nguyên khai sản xuất 5,5 triệu tấn, bốc xúc 60 triệu m3 đất đá. Ông Ninh Văn Đạt, Trưởng phòng Tổ chức lao động Công ty cho biết: “Công ty đảm bảo đủ số lao động ngay trong ngày đầu ra quân sản xuất”.
Để đảm bảo số lao động cho sản xuất ngay sau kỳ nghỉ Tết, Công ty Xây lắp mỏ đã tổ chức đón CNLĐ và phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho 100% CNLĐ trở lại làm việc theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh và bố trí cách ly tại khu tập thể các khu vực Mạo Khê, Dốc Đỏ (Uông Bí) và Km4 (Cẩm Phả). Trong ngày khai Xuân mùng 6 Tết, mét lò XDCB và CBSX đạt trên 51m; các diện sản xuất tại các vùng Uông Bí - Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả đã sản xuất bình thường.
Công ty CP Than Hà Lầm đã tổ chức khai Xuân vào ngày 17/2 (mùng 6 Tết), triển khai đồng thời nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện kế hoạch sản lượng trong ngày đầu khai Xuân đạt 6.856 tấn than nguyên khai, tiêu thụ 11.346 tấn. Trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu, Công ty có 463 CNLĐ ở lại ăn Tết và đã được chăm lo chu đáo, đảm bảo CNLĐ đón Tết vui tươi, đầm ấm và sẵn sàng bắt tay vào sản xuất sau kỳ nghỉ Tết. Trong tháng 2/2021, mặc dù có thời gian nghỉ Tết dài ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Công ty đã chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất, công tác thông gió, thoát nước, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, bố trí điều hành sản xuất phù hợp để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ngay từ những ngày đầu, tháng đầu…
Đặc biệt, chiều ngày 18/2 (tức mùng 7 Tết), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Tập đoàn đã kiểm tra sản xuất tại khai trường than lộ thiên 917 (Công ty Than Hòn Gai), Trung tâm Chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai (Công ty Tuyển than Hòn Gai) và chúc Tết, động viên công nhân lao động các đơn vị, đồng thời tham gia trồng cây đầu Xuân Kỷ Sửu 2021 tại mặt bằng công nghiệp Khu vực Giáp Khẩu - Công ty Than Hòn Gai. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, tỉnh sẽ luôn đồng hành, phối hợp cùng Tập đoàn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để TKV ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải nhấn mạnh, TKV cam kết thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, các quy định về phòng chống dịch của tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD ở mức cao nhất.
*Lan tỏa tấm gương “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ”
Thợ mỏ “nghìn đô” Nguyễn Quốc Dần
Thợ mỏ có thu nhập nghìn đô, thậm chí hơn nghìn đô một tháng, bây giờ không còn là điều hiếm hoi ở Công ty Than Dương Huy - TKV trong những năm gần đây. Nhưng nhắc đến Nguyễn Quốc Dần, hẳn sẽ có rất nhiều người biết, nhiều người nể phục trước những thành tích rất đáng nể của Dần trong hơn 15 năm gắn bó với nghề khai thác than hầm lò.
Nguyễn Quốc Dần sinh ra và lớn lên ở một xóm nghèo của xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn được đi làm đỡ đần cha mẹ và các em, Dần ra Quảng Ninh học nghề lò.
Bước chân vào lò, Dần chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, lạc quan. Phó quản đốc trực ca giao việc gì, anh cũng làm rất tâm huyết, dù là đi khấu, đi đào lò hay xén lò, hay lắp đặt thiết bị. Công việc nặng nên Dần rất chú tâm để ý, học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ cả trong đơn vị, rồi nghiên cứu thực tiễn để có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao hơn. Trước mỗi tình huống xử lý công việc dưới lò, đòi hỏi ngoài sức khỏe, còn cần có sự quan sát tinh tế, làm đúng thao tác, quy trình để đảm bảo an toàn lao động. Đó là kinh nghiệm mà Dần tích lũy được sau nhiều năm gắn bó với nghề lò.
Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, Dần được Công ty giao nhiệm vụ Tổ trưởng, chịu trách nhiệm về hiệu quả làm việc trong ca sản xuất của một nhóm công nhân khoảng dưới 10 người. Đối với Dần, công việc trong lò rất cần có kỹ thuật, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, cần cả sự lạc quan yêu đời. Đó là sức mạnh, cũng là bài toán giảm sức lao động thủ công, giữ gìn sức khỏe để gắn bó lâu dài được với nghề.
Có kiến thức và kỹ năng làm nghề, lại chăm chỉ chịu khó và tâm huyết nên không ngạc nhiên khi Nguyễn Quốc Dần liên tục là thợ lò có thu nhập cao. Năm 2019, Dần là 01 trong 140 thợ mỏ có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm của Than Dương Huy. Với mức thu nhập 358 triệu đồng năm 2019, Dần vừa được Giám đốc Công ty khen thưởng 01 chuyến du lịch dài ngày cùng người thân tại Thành phố Nha Trang. Năm 2020, Dần tiếp tục đạt mức thu nhập khủng: 439 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức thu nhập cao nhất của thợ mỏ Dương Huy tính đến thời điểm hiện tại.
Nguyễn Quốc Dần còn có bảng thành tích dài, đáng nể phục. Nhiều năm liên tục là Chiến sỹ thi đua cơ sở, năm 2016 là Chiến sỹ thi đua TKV, năm 2017 là Chiến sỹ thi đua Bộ Công Thương. Năm 2018 là 01 trong 50 CBCNVLĐ tiêu biểu được Tập đoàn khen thưởng nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ gặp mặt đại biểu công nhân cán bộ ngành Than. Năm 2019 được Giám đốc Công ty gặp mặt gia đình và khen thưởng đặc biệt, được Đảng bộ Công ty biểu dương gương “Người thợ mỏ - Người chiến sỹ” tiêu biểu. Năm 2020 lọt top 10 cá nhân xuất sắc được khen thưởng liên tục 4 quý trong năm, được đề nghị Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng Bằng khen.
Thợ lò tiêu biểu Lương Văn Khánh
Làm nghề mỏ hơn 14 năm, thợ lò Lương Văn Khánh (43 tuổi, Phân xưởng Khai thác 5, Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin) được nhiều đồng nghiệp đánh giá là thợ bậc cả dày dặn kinh nghiệm nhất đơn vị. Anh nằm trong top thợ lò thu nhập cao của Công ty, đóng góp nhiều sáng kiến giúp cải thiện điều kiện làm việc và hợp lý hóa trong sản xuất.
Năm 2006, khi học xong nghề mỏ, anh Khánh được Công ty CP Than Mông Dương tuyển dụng làm thợ lò. Công việc thợ lò gắn bó với anh đến bây giờ, tình yêu nghề cũng lớn theo từng ngày.
Thợ lò Lương Văn Khánh, chia sẻ: Công việc trong lò rất nặng nhọc, nguy hiểm. Vì vậy quá trình làm việc, người thợ phải kiên trì, rèn luyện sức khỏe mới có thể vượt qua được khó khăn. Những ngày đầu đi làm, tôi cũng thấy rất mệt mỏi, tuy nhiên tôi đã được đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, kèm cặp, chia sẻ kinh nghiệm, nên nhanh chóng thích nghi với công việc. Làm việc trong lò, yếu tố quan trọng luôn đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho mình và đồng nghiệp. Ngoài ra, các khâu làm việc phải biết kết hợp ăn ý với đồng đội. Có như vậy thì mới đảm bảo được ngày công, năng suất và thu nhập.
Trước đây, Phân xưởng Khai thác 5 chủ yếu khai thác than bằng công nghệ giá ZH và công nghệ ZRY, là những công nghệ cũ, lạc hậu, năng suất lao động không cao. Năm 2019, Công ty CP Than Mông Dương có chủ trương đưa cơ giới hóa vào áp dụng các diện sản xuất phù hợp. Để đưa công nghệ này vào sản xuất cần phải có đội ngũ thợ lò tay nghề cao.
Giữa năm 2019, anh Khánh là một trong những thợ lò tiêu biểu được Công ty tin tưởng chọn đi học điều khiển hệ thống máy khấu than lò chợ cơ giới hóa tại Công ty Than Dương Huy. Đến nay, anh đã thuần thục mọi thao tác điều khiển máy khấu than, giúp Phân xưởng vận hành, khai thác hiệu quả lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ mức -250m đến -100m với sản lượng bình quân 17-20 tấn/công.
Phó Quản đốc Phân xưởng Khai thác 5 Nguyễn Đức Đạt đánh giá: Thợ lò Lương Văn Khánh là một trong những thợ lò tiêu biểu nhất của Công ty về sức khỏe, thu nhập và bảng thành tích nể phục. Trong đơn vị mỗi khi có vướng mắc, khó khăn đến ca sản xuất do thợ lò Lương Văn Khánh tham gia đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh luôn không quản ngại nguy hiểm tiên phong vào mọi vị trí trong lò, xuất sắc hoàn thành công việc được giao; có tinh thần cầu tiến, trách nhiệm. Đây là gương điển hình trong Công ty mà các đồng nghiệp trẻ cần học hỏi.
Năm 2020, tổng thu nhập của thợ lò Lương Văn Khánh hơn 300 triệu đồng, bình quân hơn 25 triệu đồng/tháng. Từ năm 2019 đến nay, anh đóng góp 2 sáng kiến: tấm chắn bảo vệ thiết bị máy khấu than lò chợ cơ giới hóa và thang đẩy máng cào luồng trước gương lò chợ cơ giới hóa. Cả 2 sáng kiến của anh được Công ty đánh giá cao, giúp lò chợ đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Năm 2019, thợ lò Lương Văn Khánh được tuyên dương là CSTĐ cấp Tập đoàn.
III - MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN
- Nghị quyết số 07-NQ/ĐU, ngày 09/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
- Quy định về khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên của Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 180-QĐ/ĐU, ngày 17/02/2021 của BTV Đảng ủy TKV).
- Chương trình hành động số 224-CTr/ĐU, ngày 25/02/2021 của Đảng ủy TKV về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Hướng dẫn số 228-HD/ĐU, ngày 26/02/2021 của Đảng ủy TKV về công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống của TKV, đơn vị năm 2021.